Đây là chân máy ảnh loại khá lớn dành cho nhu cầu từ bán chuyên đến chuyên nghiệp, chịu lực 15kg, dài tối đa 1.72m. Đối với tiêu chí thứ nhất về chất liệu và trọng lượng, chân Vanguard VEO3+ 263AB dùng chất liệu hợp kim nhôm, tổng khối lượng cả chân và đầu bi là 2.4kg. Đây là trọng lượng vừa phải, không quá nhẹ và cũng không quá nặng. Đối với tiêu chí thứ hai về tính năng, chân máy này được thiết kế thông minh, sử dụng các đầu khoá chắc chắn, cũng có khả năng kết hợp và tương thích với nhiều thiết bị khá để tạo thêm tính năng sử dụng nhờ trụ trung tâm. Đối với tiêu chí thứ ba về sự tiện dụng trong vận hành, người dùng có thể thao tác dễ dàng với chân máy này, rất kích thích cảm giác. Chân máy có hoàn thiện thiết kế rất tốt, chắc chắn và tạo cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng khi vặn xoay. Chiều dài thu gọn tối thiểu là 76cm, nên không phải là chân máy thuộc dòng xếp gọn ngắn để bỏ va-li túi xách; chân máy này phải đeo vai riêng nếu đi bộ.
Thông số cơ bản:
- Hợp kim nhôm, nặng 2.4kg (cả đầu bi đi kèm)
- Cột trung tâm có thể thay đổi nhiều góc khác nhau
- Tương thích với các phụ kiện gắn thêm khi cần gắn đèn hoặc thêm một máy ảnh
- Có thể dùng một càng thành monopod
- Chịu tải 15kg, chiều dài khi gấp gọn là 76cm, cao tối đa là 1.72cm
- Đầu gắn máy ảnh chuẩn arca thông dụng
- Hệ thống khoá chắc chắn, dễ thao tác
- Có thể tháo lắp thay thế chân đế tuỳ môi trường mặt phẳng
- Túi đựng có đệm lót và đeo vai
- Giá thị trường khoảng hơn 5 triệu (B&H 250$)
Phiên bản 263AC sử dụng chất liệu sợi carbon, còn phiên bản 263AB này sử dụng chất liệu hợp kim nhôm. VEO 3+ 263AB sử dụng trụ trung tâm được thiết kế thông minh, tạo thêm nhiều tính năng, xoay ngang tuỳ biến đến hết góc 90 độ. Có thể gắn máy ảnh cùng với một đèn hoặc máy ảnh phụ với bộ adaptor MA1 đi kèm theo. Nếu sử dụng để quay video hay livestream thì có thể gắn micro, màn hình hoặc bất kỳ thiết bị gì cũng được.
VEO 3+ 263AB có thiết kế chân nối 3 đoạn, chân máy khi gấp lại vẫn hơi dài. Với chiều dài 76cm, chỉ có thể đeo chân máy ở vai chứ không thể phục vụ nhu cầu bỏ túi xách, ba-lô được (như thiết kế của loại chân 4-5 đoạn). Một chân của chân máy này được thiết kế có thể tháo rời và sử dụng như mono-pod, và gắn nối được với cả trục trung tâm. Có thể dùng monopod khi cần, hoặc làm cây gậy …
Đầu bi VEO BH-160 rất chắc chắn, cầm vặn xoay rất đã. Các vòng xoay êm mượt nhẹ nhàng, siết đúng vòng là cứng ngắc. Có miếng lót chuẩn Arca Swiss thông dụng đi kèm. Trục đảo chiều (bi) nhẹ nhàng và khi khoá nhẹ nhàng và rất chặt. Mình rất thích yếu tố này, vì nếu qua nhiều đầu của chân máy thì hoặc tạo cảm giác yên tâm, hoặc cứ lo lắng khi mà phải siết đau tay mới chặt và có thể bị lỏng ra lúc nào không biết.
Để tạo góc nghiêng với tính năng của trụ trung tâm, chỉ việc kéo hết lên và nhả khoá, trục xoay sẽ trở thành cái cần nghiêng / ngang để phục vụ cho nhu cầu góc máy khác, hoặc gắn thêm phụ kiện. Đối với chụp ngoài trời, mình nghĩ sẽ ít khi dùng tính năng này, nhưng đối với chụp trong nhà, trong phòng chụp thì sẽ có khá nhiều tình huống cần. Nếu dùng để quay hoặc ở tư thế góc thấp, trụ trung tâm nghiêng góc này cũng góp phần trở nên tiện dụng hơn.
Còn một số chi tiết khác như thay đế chân trong môi trường cần bám, hay tính năng chi tiết của các khớp khoá, vòng hỗ trợ chụp panorama 360… mình sẽ trình bày cận cảnh hơn ở trong video bên trên. Tóm lại, đây một chân máy chất lượng. Đây là thương hiệu Mỹ, có sản xuất nhiều đồ cho dân ảnh như ba-lô túi xách nữa… . Nơi sản xuất thì thấy ghi ở Myanmar.
Tóm lại, điểm trừ duy nhất của chân máy là thiết kế 3 khúc chứ không phải là 4 hay 5 khúc nên chiều dài gấp gọn 76cm vẫn không thể bỏ va-li gọn nhẹ hơn. Ngoài điểm đó ra, Vanguard VEO 3+ 263AB phục vụ hoàn hảo với thiết kế, chất lượng và tính năng xuất sắc cho nhu cầu anh em làm nghề, chụp hình quay phim nghiêm túc, thao tác nhanh, vận hành trơn tru, cảm giác chắc, thiết kế trụ trung tâm hay. Giá chân máy này tại B&H là 250$ – theo mình cũng khá hợp lý.
Phụ thêm: một số lưu ý khi chọn chân máy ảnh
- Hàng chất lượng. Dĩ nhiên tuỳ khả năng ngân sách. Nhưng đừng vì lý do đó mà dùng hàng dỏm rất dễ phiền lòng trong thực tế sử dụng.
- Chiều cao cơ sở. Chiều cao chưa kể trụ trung tâm vừa tầm mắt. Đừng nên mua chân nhựa tổng hợp hay chất liệu quá nhẹ, không dùng được bao lâu và không hiệu quả đâu, cũng đừng chọn loại quá nặng mà khổ thân.
- Đầu gắn máy ảnh. Thường thì tính năng của đầu phục vụ càng nhiều càng tốt, xoay lật chắc chắn và dễ dàng là được. Nhiều đầu bi chốt khoá lỏng lẻo, dùng ba bữa xộc xệch, siết không chặt… hãy kiểm tra kỹ phần này khi mua chân máy.
- Các chốt khoá. Các chốt khoá, núm vặn, đầu khớp nối là rất quan trọng của cái chân máy ảnh. Khi mua, cứ kiểm tra cho kỹ. Cảm giác tay thao tác thực tế cũng phần nào cảm nhận được hàng chất hay không.
- Các tính năng. Thường thì các nấc mở rộng góc chân 3 càng để trụ vững chắc, hoặc hạ thấp chụp trên xuống, các khớp nối có thể tháo lắp dùng thêm tính năng monopod, trụ trung tâm có thể tạo góc ngang, nghiêng… hoặc có thể gắn thêm phụ kiện như đèn hay thêm một máy …