Chân máy ảnh là một phụ kiện thiết yếu với nhu cầu chụp ảnh, kể cả nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Đây là những chia sẻ cho những ai có băn khoăn không biết chọn chân máy như thế nào, hoặc những bạn bước chân vào môn nghệ thuật này và muốn có một chân máy phù hợp, đủ cho nhu cầu của mình.

Cân nhắc về giá cả khi lựa chọn chân máy ảnh
Đầu tiên, nếu ngân sách dự chi cho việc mua một chân máy ảnh thoải mái, thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn bằng cách mua những chân máy ảnh đắt tiền, những thương hiệu nổi tiếng.
Tuy nhiên, ngân sách thoải mái cũng không phải là tất cả. Nó có thể cho bạn nhiều lựa chọn hơn, nhưng cái chân máy ảnh tốt mà quá phức tạp so với nhu cầu thì lại phát sinh hệ luỵ là vượt quá nhu cầu sử dụng của cá nhân. Nên, các lưu ý tiếp theo cũng nên lưu ý khi chọn mua.
Đó là những lựa chọn về chất liệu cao cấp, thiết kế hoàn thiện chất lượng cao, các tính năng hoạt động hoàn hảo, trải nghiệm sử dụng phù hợp với thực tế mang vác hoặc sử dụng nhiều hoàn cảnh.
Chân máy ảnh cho nhu cầu chung là chân máy ảnh ba càng (tripod). Thông thường thì cần nó khi nào?

Khi bạn chụp ảnh trong tình huống tốc độ màn trập xuống quá thấp, tay cầm máy sẽ có sự rung lắc nhất định, ảnh chụp sẽ có sự mờ nhoè không được sắc nét.
Ví dụ: bạn đứng ở trên thành cầu, xe cộ chạy tạo ra sự rung lắc, nhưng tốc độ cửa trập không đủ nhanh ở mức độ an toàn như 1/125 giây trở lên chẳng hạn, thì lúc đó cần gắn máy ảnh lên chân máy để cố định.
Hoặc những lúc chụp bình thường mà do bối cảnh ánh sáng yếu, bạn thể không tăng tốc độ cửa trập tới mức độ an toàn tối thiểu.
Tầm quan trọng của chân máy ảnh
Còn trường hợp sử dụng chân máy ảnh nhiều nhất, là khi bạn muốn/cố ý chụp với tốc độ cửa trập rất chậm để “phơi sáng”. Chẳng hạn bạn chụp vệt xe chạy trên đường, mặt sông, sóng biển, thác nước, bình minh, hoàng hôn… tạo sự mềm mại cho các chuyển động với tốc độ màn trập có thể chậm đến rất chậm, như 1 giây đến 1 phút, hoặc lâu hơn như chụp chuyển động của ngôi sao…
Khi có nhu cầu chụp ảnh các đối tượng chuyển động nhanh (các loại ảnh thể thao, chim thú, máy bay, cano…) bạn cần có tốc độ cửa trập khá cao (1/500 giây trở lên chẳng hạn) để bắt dính khoảnh khắc sắc nét, thì việc gắn máy lên chân máy để giảm thiểu sự rung lắc, cho ảnh đủ độ sắc nét và ồn định là cần thiết.
Một ý thêm ở đây, là khi chụp cố định khung hình trong thời gian dài, như trong phòng chụp, hoặc khi quay video bằng máy ảnh thì sự rung lắc do di chuyển cho khung hình rất khó chịu.

Khi bạn chụp ảnh với ống kính tiêu cự dài (tele/supertele), thường sẽ nặng hơn, cồng kềnh hơn, cầm tay cố định khó khăn hơn, lấy nét cũng không nhanh và dễ dàng hơn ống kính tiêu cự ngắn… thì việc gắn máy ảnh vào chân máy để đảm bảo ảnh sắc nét là cần thiết.
Ở các trường hợp ánh sáng không hoàn hảo, chụp ngoài trời phong cảnh, thiết lập thông số ở tốc độ cửa trập thấp, khép khẩu để có vùng ảnh rõ, dày… thì nên cũng dùng chân máy ảnh.
Khi bạn cần góc chụp khó (góc cao hơn đầu, hoặc góc thấp sát nền đất), hoặc khi chụp hẹn giờ, chụp bằng điều khiển từ xa (Remote hay qua smartphone) cho nhóm bạn, thì chân máy cũng là phụ kiện cần có.
Góc chụp thấp sẽ gặp nhiều ở các trường hợp chụp sản phẩm, hoặc chụp macro cận cảnh, góc chụp cao xuống gặp ở các trường hợp bạn chụp qua một bức tường, hàng rào, hoặc muốn ống kính không bị vướng một tiền cảnh nào đó, hoặc muốn hiệu ứng thị giác góc cao… thì việc gắn máy lên chân cố định là cần thiết.
Những lưu ý để tham khảo khi chọn mua một chân máy ảnh phù hợp với nhu cầu cụ thể của bạn là gì?
Độ cao tối đa của chân máy ảnh: gồm chiều cao của chân và trục phụ (nếu có). Chân máy ảnh càng cao càng tốt, nhưng phải đảm bảo được khả năng chịu lực độ và chắc chắn. Tất cả các chân máy ảnh đều có các thông tin cơ bản ở ngoài bao bì: chiều cao cơ sở, không tính chiều cao của trục kéo phụ thêm.
Bạn nên thử kéo hết các khúc chân, tạo trọng lực xem có bị rung lắc không. Theo kinh nghiệm của mình thì chọn ít khúc càng tốt, vì nhiều thì các khúc gần cuối khá nhỏ và khả năng chịu lực yếu, vì muốn kéo được dài mà xếp lại ngắn gọn nên có chân máy ảnh khá nhiều khúc (hơn 3) thì bạn cũng nên xem xét.
Linh động về góc chụp

Cột trung tâm là cột kéo cao thêm giữa ổ trục của chân máy. Có loại chỉ kéo cao thêm, có loại lại có thể rút rời ra gắn ngược chiều lại để phục vụ nhu cầu chụp góc thấp cho những bạn chụp sản phẩm, cận cảnh thấp sát mặt nền đất; có loại thì cột này có thể lật ngang nhờ thiết kế khớp nối thông minh để phục vụ nhu cầu đa dạng về góc chụp, gắn thêm đèn hay micro lên đó khi quay video. Nếu bạn có nhu cầu thì cũng nên xem các tính năng này.
Khi bạn có ống kính và máy ảnh rất to và nặng
Đường kính của các khúc chân máy đầu tiên càng to càng tốt: chân máy càng to thì càng chắc chắn với khả năng tiếp đất của khúc chân máy cuối, giảm khả năng bị rung lắc. Tuy nhiên, bạn cũng cần xem xét khả năng và nhu cầu mang vác của bạn. Chân máy ảnh quá to cũng sinh ra phiền toái.

Cá nhân mình có nhu cầu di chuyển nhiều, cần một chân máy ảnh xếp đủ gọn để bỏ vào vali, kẹp vào balo… Nên chọn chân máy ảnh có kích thước phù hợp.
Khả năng mở rộng của những chân máy càng lớn càng tốt: Nhiều chân máy ảnh có chiều cao tốt nhưng độ mở rộng giữa các chân không lớn, dễ bị rung lắc hơn so với những chân máy ảnh có độ mở rộng lớn.

Các chân máy ảnh xịn thì cho phép mở rộng khoảng cách này tuỳ theo bối cảnh kéo độ cao bao nhiêu thì mở rộng tương ứng để tạo chân đế vững chắc, bạn nên xem xét kỹ.
Cần một chân máy cố định, chắc chắn
Những chốt khoá, thanh vặn cần chắc chắn, không bị rơ để thao tác dễ dàng và bền bỉ hơn. Các chốt khoá rất quan trọng, nó phải thiết kế sáng tạo để vừa dễ dàng thao tác nhanh, vừa chắc chắn, không lỏng lẻo, và các khớp nối đủ khít để đất cát không len lỏi vào gây trở ngại.

Khi nào cần ballhead?
Chân máy ảnh có ballhead sử dụng được nhiều hướng chụp cho máy ảnh thì càng tốt, giúp linh động trong việc sử dụng để chụp ảnh, hoặc quay film. Đầu ball cho người chụp ảnh phổ thông hơn là đầu pan cố định 2 chiều thường phù hợp với quay video hơn.

Đa số với chân máy đắt tiền, loại cao cấp, thì ballhead được bán riêng. Việc chọn ballhead có kích thước và công năng xoay vặn vừa đủ nhu cầu máy ảnh của bạn lớn hay nhỏ thì bạn phải chọn theo nhu cầu của bạn. Lớn quá thì cồng kềnh không cần, nhỏ quá so với máy ảnh thì không chắc chắn.
Chân máy ảnh và ballhead có khả năng tải được khối lượng càng lớn thì càng tốt, nhưng cần kiểm tra kĩ hiệu năng thực của chân máy, xác định xem khoảng tải tối đa là bao nhiêu để sử dụng phù hợp với thiết bị máy ảnh đang có.

Nhiều người mua chân máy quá nhu cầu này là khá nhiều, mình nghĩ là nên chọn vừa đủ thôi, hoặc dư dự phòng một chút.
Khi bạn di chuyển nhiều và cần chân máy ảnh có độ cơ động cao
Ưu tiên chất liệu làm chân máy ảnh nhẹ, nhưng vẫn phải đảm bảo được độ chắc chắc khi gắn máy vào. Nhu cầu chân máy nhẹ luôn làm mọi người thích.

Tuy vậy, nếu bạn thường chụp ngoài trời, gió tác động, rung lắc do ngoại cảnh… thì chân máy ảnh đủ nặng để tạo sự chắc chắn cũng là điều cần lưu ý.
Nhẹ giúp mang vác thuận tiện, nhưng nhu cầu chụp với hoàn cảnh khó thì cũng nên lưu ý khối lượng chân máy đủ vững.
Lựa chọn thương hiệu phù hợp, đáng tin cậy
Nếu cùng tầm giá mà khả năng của 2 loại tripod khác hãng là như nhau, thì nên ưu tiên những hãng tripod uy tín, hoặc đầu gắn tripod hay phụ kiện là loại phổ phông để dễ thay lắp khi gặp sự cố.
Cuối cùng, mọi thứ chỉ là tham khảo để có thể lưu ý một vài điểm nào đó khi tìm chọn cho mình một chân máy phù hợp. Bạn nên cầm nắm thao tác thử chân máy ở tiệm khi đi mua, để mua được một chân máy ảnh phù hợp với nhu cầu và sở thích của bạn.